Sự kiện tái hiện một ngôi làng Hà Lan thu nhỏ với 12 ngôi nhà dọc theo bờ kênh đào theo phong cách Hà Lan. Cối xay gió với kích thước thật và cánh đồng hoa tulip nở rộ - biểu tượng của đất nước Hà Lan - được xây dựng ngay tại cổng chào.

Các nghệ nhân Hà Lan trực tiếp biểu diễn khắc chạm guốc gỗ, thổi thủy tinh và làm gốm tại lễ hội. Đến Ngôi làng Hà Lan, công chúng cũng có cơ hội thưởng thức các món ăn truyền thống của Hà Lan tại các cửa hàng cá, phô mai, các nông trại bò sữa xếp liền kề nhau… Mỗi ngày, các nhạc công đường phố Hà Lan đều biểu diễn đàn accordéon kết hợp cùng các tiết mục khiêu vũ của những thiếu nữ đồng quê trong trang phục truyền thống.
Lễ hội cũng tổ chức nhiều hoạt động vui chơi cho du khách. Cuộc thi người vận chuyển phô mai, vẽ tập thể (cùng với các họa sĩ và nghệ sĩ phác họa ngôi làng). Một số tác phẩm nghệ thuật sáng tạo đã được mang ra đấu giá ủng hộ gây quỹ Dance4Life. Các em thiếu nhi sẽ được tham gia để tìm hiểu và khám phá hoạt động cắt cỏ, chăm bò, vắt sữa bò thông qua các mô hình trong nông trại. Ban tổ chức cũng xây dựng nhiều phông nền: phong cảnh Hà Lan, đội tuyển bóng đá Hà Lan… để du khách chụp ảnh lưu niệm.
“Ngôi làng Hà Lan” được xây dựng năm 1980 tại Đức, chín năm sau đó, nhanh chóng có mặt ở nhiều nơi trên khắp thế giới: Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia, Canada, Pháp, Áo, Mỹ,… Đây là lần đầu tiên “Ngôi làng Hà Lan” được tổ chức tại TPHCM, được xem là hoạt động tượng trưng cho tình hữu nghị giữa hai nước Việt Nam và Hà Lan.